TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.6)

0
482

GIẢI PHÁP CHÚA GIÊ-XU

Trong Kinh Thánh có nhiều danh hiệu để chỉ về Đức Chúa Giê-xu như: Con Người, Con Một, Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu Christ… Lời Chúa dạy rằng:

Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trong thân xác Con Người

Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24), mà “Thần thì không có thịt xương” (Lu-ca 24:39). Nhưng vì nhân loại được giới hạn trong thể xác, nên Chúa Giê-xu phải tự giới hạn vào trong thân xác như chúng ta để cứu chuộc chúng ta.

Tuy vậy, thân xác của Chúa Giê-xu rất đặc biệt và duy nhất; Kinh Thánh bày tỏ, trinh nữ Ma-ri thụ thai Chúa Giê-xu bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh, không phải do sự kết hợp của con người: “Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Này, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-xu…. Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất-Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời…. Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:30-38).

Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu rất quan trọng, đến nỗi đã trở thành điểm mốc, phân chia lịch sử nhân loại thành hai thời kỳ: Lịch sử nhân loại trước Chúa giáng sinh (BC), và sau Chúa giáng sinh (AD). Tây lịch (Dương lịch) đã tính năm thứ nhất làm thời điểm Chúa giáng sinh. Giả thử, bạn viết thư và ghi năm 2014, tức là, 2014 năm sau điểm mốc Chúa Giê-xu giáng thế, thư này mới có.

Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa. Chính Ngài đã tạo dựng và đang bảo tồn muôn loài, vạn vật; Lời Chúa dạy: “Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được…. Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị… đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:15-17); “Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời” (Rô-ma 9:5). Chúa Giê-xu cho biết: “Ta từ trên trời xuống” (Giăng 6:38); chính Ngài xác nhận Ngài là Đức Chúa Trời: “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30).

Kinh Thánh thuật lại rất nhiều phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm. Ngài cầm quyền trên thiên nhiên như: Dẹp yên bão tố, đi bộ trên mặt nước biển nhưng không bị chìm (Ma-thi-ơ 8:23-27; 14:22-33). Ngài cầm quyền trên thân thể con người như: Chữa lành bệnh tật, làm cho người chết sống lại (Ma-thi-ơ 9:1-35; Giăng 11:1-45). Ngài cầm quyền trên tà linh như:  Đuổi ma quỷ ra khỏi con người (Mác 5:1-20). Ngài cầm quyền trên vật chất như: Hóa bánh, cá ra nhiều (Lu-ca 9:10-17). Những phép lạ trên bày tỏ Chúa Giê-xu phải là Đức Chúa Trời. Loài người sinh ra để sống, nhưng Chúa Giê-xu giáng sinh với mục đích đặc biệt.

Mục đích Chúa Giê-xu Giáng Sinh

Vì luật pháp của Đức Chúa Trời đã ấn định: “Công giá của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Cho nên, do tình yêu thương, Chúa Giê-xu đã giáng trần, chịu chết thế cho loài người để chuộc chúng ta; Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8); “Chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta” (I Giăng 2:2). Nhờ Ngài, chúng ta được tha tội: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7).

Chúng ta phải nhớ rằng những ví dụ trong đời sống dùng để minh họa cho vấn đề tâm linh thì không thể nào hoàn hảo được. Tuy vậy, chúng có thể giúp ta hiểu được phần nào về sự cứu chuộc. Chắc bạn còn nhớ ví dụ về người cha, một mặt yêu thương các con, nhưng đồng thời cũng là vị quan tòa công minh, chánh trực. Người cha đó tượng trưng cho Đức Chúa Giê-xu, các con tượng trưng cho nhân loại đã phạm tội và đang bị hình án.

Phải trừng phạt con mình, nhưng vị quan tòa có một phương pháp tuyệt diệu để cứu các con. Đó là, thay vì các con bị hình án thì ông cởi áo quan, và chịu thế cho các con. Ông làm vậy cũng chỉ vì lòng yêu thương các con, chứ không phải bởi các con đã làm gì cho ông.

Đó là hình ảnh để nói lên sự việc Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, vì yêu thương nhân loại nên Ngài đã giáng sinh, trở thành Con Người, có một cuộc sống hoàn hảo và chịu chết thay thế cho chúng ta. Kinh Thánh dạy: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8).

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu

Dầu chịu chết trên thập tự giá, nhưng có một sự huyền diệu đã xảy ra, đó là, đến ngày thứ 3, Ngài đã sống lại, và đến với các môn đồ; Kinh Thánh chép: “Vả, lúc Đức Chúa Giê-xu đến, thì Thô-ma… là một người trong mười hai Sứ đồ, không có ở đó…. Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài (chỗ bị giáo đâm) thì ta không tin. Cách tám ngày các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà…. Đức Chúa Giê-xu đến…. Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! Đức Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:24-29). “Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy” (I Cô-rinh-tô 15:6).

Trong suốt thời gian theo Ngài, các môn đồ đã chứng kiến Chúa Giê-xu thực hiện rất nhiều phép lạ; nhưng họ vẫn chưa biết Ngài là Đức Chúa Trời, cho đến khi Ngài chiến thắng tử thần. Sự phục sinh của Ngài đã làm thay đổi hẳn quan niệm sống của các môn đồ. Trước đó họ sợ sệt, nhưng bây giờ họ sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình, dầu phải chịu bao bách hại, kể cả cái chết. Sự sống lại của Chúa Giê-xu đã chứng minh rằng Ngài là Đức Chúa Trời, và chỉ có Ngài mới cứu được người khác; vì chẳng ai có thể tự làm cho mình sống lại, huống chi cứu người khác?

Sự chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Christ là “sự việc” mà  tôi đã giới thiệu ở phần đầu, đó chính là điều Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để giải cứu nhân loại vô vọng.

Sự về trời và sự trở lại của Chúa Giê-xu 

Sau khi Chúa Giê-xu hoàn thành công tác cứu chuộc nhân loại, có rất nhiều người chứng kiến Ngài còn ở trên trần gian thêm 40 ngày nữa. Sau đó, Ngài trở về trời để ban Đức Thánh Linh đến, như lời Ngài từng phán: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến” (Giăng 16:7). “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).

Trong tương lai, Đức Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian để đem những người đã tiếp nhận Ngài về Thiên đàng. Chúa Giê-xu hứa: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Kinh Thánh dạy: “Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ Các Sứ đồ 1:11).

Lúc ấy, mọi người sẽ trông thấy Ngài: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy” (Khải huyền 1:7). Câu Kinh Thánh này khó hiểu đối với những người thời bấy giờ, vì làm thế nào mà “mọi mắt,” tức là mọi người cùng một lúc thấy “Ngài đến giữa những đám mây” được? Nhưng ta hãy xem, ngày nay với những phát minh của khoa học như ti-vi, máy vi tính, điện thoại di động, vệ tinh truyền hình trực tiếp… “mọi mắt sẽ trông thấy Ngài khi Chúa đến giữa những đám mây” là điều dễ hiểu. Điều này thêm phần minh chứng rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, vì đã ứng nghiệm đúng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Đúng thời điểm, Chúa Giê-xu sẽ làm cho người chết sống lại, Kinh Thánh cho biết: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28). Rồi mọi người sẽ đối diện với Ngài để bị xét xử, như một phiên tòa.

Quang cảnh ngày phán xét

Quyền thi hành sự phán xét thuộc về Đức Chúa Giê-xu, vì chính Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác Con Người. Ngoài Ngài ra, không một ai, không một người sáng lập tôn giáo nào có quyền đó, Lời Chúa dạy: “Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con Người.” (Giăng 5:27).

Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Sứ đồ Giăng thấy trước một phần quang cảnh của ngày phán xét như sau: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên…. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa, Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải huyền 20:11-15). Đó là hình ảnh tuyệt vọng của những người đã khước từ ơn cứu rỗi.

Khi sự phán xét cuối cùng đã xong, đây là hình ảnh tuyệt vời của những người đã bằng lòng tin nhận Đức Chúa Giê-xu làm Đấng cứu chuộc cho mình:Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa…. Đấng ngự trên ngôi phán rằng: “Này, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời này đều trung tín và chân thật” (Khải huyền 21:3-5).

Trích từ quyển “TRỞ VỀ NGUỒN CỘI”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây