Trang chủ Blog TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.5)

TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.5)

0
465

LOÀI NGƯỜI

Lời Chúa dạy rằng loài người có linh hồn. Người đầu tiên là A-Đam được tạo sinh như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh (tức là sống và có linh hồn)” (Sáng thế ký 2:7).

 Nhưng khi Chúa tạo các thú vật, Ngài không hà sanh khí từ nơi Ngài vào chúng, chúng chỉ được làm từ đất mà thôi; Kinh Thánh cho biết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời” (Sáng thế ký 2:19); bởi đó, các thú vật  không có linh hồn, nên một khi chúng chết là hết.

Ông bà ta cũng thường nói: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh” (nghĩa là: Đức Chúa Trời sinh vạn vật, nhưng chỉ có con người thiêng liêng hơn cả).

Sự tương giao đỗ vỡ

Loài người có linh hồn đến từ Đức Chúa Trời và bởi Ngài. Vì vậy, chúng ta có sự tương giao mật thiết với Ngài, như mối liên quan giữa con với Cha. Nhưng sự tương giao này đã bị đỗ vỡ, kể từ khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va không vâng phục Đức Chúa Trời. Họ đã không nhận tội; thậm chí, lại còn đổ lỗi cho Chúa.

Như Chúa Giê-xu đã ví sánh, sự mất tương giao mật thiết giữa loài người với Đức Chúa Trời chẳng khác nào các nhánh nho đã bị cắt lìa khỏi gốc (các nhánh nho tượng trưng cho nhân loại, gốc nho tượng trưng cho Chúa). Bởi vậy, giờ đây tất cả nhân loại dường như đang tìm kiếm một điều gì đó, nhưng không ai biết rõ, mặc dầu biết rằng đó không phải là tiền tài, danh vọng, hay tình yêu đôi lứa; vì khi có được chúng rồi, chúng ta vẫn không thỏa lòng. Kinh Thánh cho biết, điều mà nhân loại đang tìm kiếm, đó chính là sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời mà ngày xưa tổ phụ đã đánh mất.

Nếu nhân cách hóa các nhánh nho đã bị cắt lìa khỏi gốc, nhánh này khoe với nhánh kia rằng: “Tôi nhiều hoa, lá hơn anh”; nhánh khác nói: “Tôi được cắm trong bình đẹp, sang hơn của chị”. Dầu vậy, tất cả những điều đó cũng chẳng nghĩa lý gì. Điều quan trọng nhất, là các nhánh nho đó có được ghép trở lại gốc trước khi bị chết khô hay không; nếu đã bị chết khô rồi thì không thể nào ghép trở lại được.

 Loài người cũng vậy, điều cấp bách nhất, ấy là được kết nối trở lại với Nguồn Sống là Đức Chúa Trời, trước khi chết; chứ không phải có bao nhiêu vật chất, danh vọng, đẹp sang ở đời này là quan trọng.

Bởi tội lỗi nên con người dầu có theo đạo, có cố gắng tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ cách mấy đi chăng nữa, cũng không thể giúp ta sống mãi. Tuy nhiên, lời Chúa cho biết:

Chết không phải là hết, cũng không phải hóa kiếp, mà là trở về

Đức Chúa Trời là Đấng bất diệt nên linh hồn chúng ta cũng bất tử. Trong tương lai, mọi người dầu đã chết cũng sẽ được Đức Chúa Trời làm cho sống trở lại; Kinh Thánh dạy: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28).

Con người không luân hồi từ kiếp này qua kiếp nọ, nhưng như người Việt ta có câu: “Sống gởi, thác về”. Hãy xem, tại sao lại dùng chữ “về” cho cái chết? “Về” hàm ý là đã đi ra từ “nơi nào đó”, và chết là trở về “nơi đó”. Kinh Thánh cho biết “nơi đó” chính là Đức Chúa Trời: “Bụi tro (thể xác) trở vào đất y như nguyên cũ, và thần-linh (linh hồn) trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền đạo 12:7). Tuy nhiên, trở về để bị đoán phạt, hay để được tha tội và được hưởng phước nơi thiên đàng mãi mãi với Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng.

Vậy, ai có thể cứu giúp chúng ta? Thứ nhất, bởi:

LOÀI NGƯỜI CÓ GIỚI HẠN

Hãy xem, khi nhìn vào bàn tay, mái tóc… chúng ta biết rằng đâu có ai tự mình làm nên chúng; cha mẹ cũng không, đạo giáo cũng chẳng thể nào. Vậy mà ai cũng nói rằng bàn tay “của tôi”, mái tóc “của tôi”. Do đó, dầu có theo đạo, có tu thân, tích đức, nhưng chúng ta cũng không vì vậy mà tự làm cho tóc trên đầu mình từ đen trở thành trắng hay ngược lại. Ngay lúc này, bạn đang lật từng trang sách để đọc; dĩ nhiên, bạn đang điều khiển tay bạn, và cũng trong lúc này, tim của bạn đang đập, nhưng bạn có đang tự điều khiển nhịp tim của bạn không? Như mọi người, tôi cũng có giới hạn. Một ngày nào đó tim tôi sẽ ngừng đập. Lúc ấy, dầu có làm lành lánh dữ, đi nhà thờ, giàu sang, quyền thế, hoặc tài giỏi, tôi cũng chẳng thể nào làm cho nó đập lại được.

Ngay cả những điều thực tế như vậy mà chúng ta cũng bị giới hạn, huống chi là vấn đề tự làm cho mình hoặc cho người khác vào Thiên đàng, là nơi mình không biết rõ, không thấy được; thậm chí, cũng không phải của mình.

Điều thứ nhì, chúng ta không thể tự cứu, hay cứu nhau vì:

LOÀI NGƯỜI LÀ TỘI NHÂN        

Nếu phải căn cứ trên tình trạng đạo đức để được vào Thiên đàng, chắc chắn không một ai đủ tiêu chuẩn cả, Kinh Thánh cho biết: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Người Việt ta cũng có những câu như thế: “Nhân vô thập toàn”, hoặc: “Là người chứ đâu phải thánh”. 

Khi nói đến tội lỗi, chúng ta thường nghĩ đến những chuyện kinh khủng như cướp của, giết người. Tuy vậy, Lời Chúa còn dạy: “Mọi sự không công bình đều là tội” (I Giăng 5:17). Chúng ta có thể phạm tội trong tư tưởng như suy nghĩ những điều không tốt; hoặc phạm tội qua lời nói thô lỗ; hay việc làm sai quấy; thậm chí, không làm việc thiện cũng phạm tội, Kinh Thánh dạy: “Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17).

Dầu chúng ta không vi phạm tất cả những điều trên, nhưng lại không biết ơn,  không tôn thờ Đức Chúa Trời thì cũng phạm tội. Như trong gia đình, dầu con cái yêu thương, giúp đỡ nhau, nhưng lại không hiếu kính, vô ơn với cha mẹ vậy. Kinh Thánh cho biết: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình…. Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa… họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời!” (Rô-ma 1:18, 21, 25).

Nếu người Việt chúng ta rất sợ bị mang tiếng bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thì tại sao chúng ta lại không sợ tội không tôn thờ, vô ơn đối với Đấng đã tạo sinh ra tổ tiên, ông bà, cha mẹ và ngay cả chúng ta?

Thẩm quyền tha tội

Mặt khác, chúng ta thường cho rằng phạm tội là chỉ phạm với nhau, mà không nghĩ đến phạm tội đối với Đức Chúa Trời. Giả định, khi tôi tranh giành, ganh ghét với các em tôi; như vậy, không những tôi có lỗi với chúng, mà cũng phạm tội đối với cha mẹ, vì cha mẹ sinh con cái nên có thẩm quyền trên các con! Sau đó, dầu tôi có xin lỗi, có đền bù thiệt hại cho các em, nhưng không xin lỗi cha mẹ mà lại đến với ông bà hàng xóm để xin tha; lẽ dĩ nhiên, tôi không được tha. Hơn nữa, tôi lại phạm thêm tội bất hiếu, bội nghịch với cha mẹ tôi, vì không trở về đúng với bậc có thẩm quyền tha tội.

Cũng vậy, loài người tranh giành, chém giết nhau là phạm lỗi với nhau, và phạm tội với Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời mới là Đấng có thẩm quyền tha tội, vì Ngài đã tạo sinh nhân loại! Nhiều khi, chúng ta ý thức rằng mình phạm tội, nhưng lại không trở về cùng Chúa để xin lỗi hầu được tha. Ngược lại, chúng ta lại đến với nhau, đến với đạo giáo này, theo lý thuyết nọ, hoặc tự tu; như vậy, cho dầu có thật tâm ăn năn, chúng ta cũng không được tha. Kinh Thánh dạy: “Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” (Mác 2:7). Khổng Tử cũng nói: “Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo giả” (mắc tội với Trời thì không kêu cầu ở đâu được).

Sự nghiêm trọng của tội lỗi

Chúng ta quan niệm rằng, một người mới sinh ra là trong trắng vô tội. Sau đó, nếu làm một điều xấu, người đó bị “trừ điểm”, nếu làm một điều tốt, được “cộng điểm”. Đến cuối cuộc đời, ai còn lại công đức thì được lên Thiên đàng, ai còn lại điều xấu thì phải xuống địa ngục.

Thật ra, Kinh Thánh cho biết tội lỗi đã có từ lúc tổ tiên loài người là ông bà A-đam không vâng phục Đức Chúa Trời; từ đó, mọi người đều sinh ra với bản chất tội lỗi. Trước đây, tôi cũng không chấp nhận khi nghe nói tội lỗi di truyền; nhưng sau này, Chúa đã mở lòng cho tôi hiểu điều đó qua hình ảnh như sau: Ta lấy giếng nước tượng trưng cho Đức Chúa Trời; gàu nước tượng trưng cho A-đam và Ê-va; các ly tượng trưng cho loài người sinh sản về sau.

Vì được múc từ giếng trong lành, nước trong gàu cũng trong lành. Nhưng giả thử, gàu nước đã lỡ để thuốc độc cực mạnh (tượng trưng cho tội lỗi) đổ vào. Khi nước đã bị nhiễm thuốc độc từ gàu được sang qua ly, và từ ly này qua ly kia, thì cho dầu không phải lỗi của các ly mà lỗi của gàu, nhưng các ly cũng bị nhiễm độc.

Khi nói đến tội, chúng ta thường nghĩ đến ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Bây giờ giả thử, chúng ta để nguyên ly thứ nhất, nhưng nhỏ thêm một giọt thuốc độc vào ly thứ hai, và nhỏ thêm một ngàn giọt thuốc độc vào ly thứ ba. Ba ly nước tượng trưng cho ba người; có người phạm ít tội, có người phạm nhiều. Lắm khi, người ít tội thấy người nhiều tội thì cười chê; nhưng Đức Chúa Trời coi mọi tội, dầu nhẹ hay nặng, dầu nhiều hay ít, rất ư nghiêm trọng: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).

Dầu chỉ có tội tổ tông mà thôi, chúng ta cũng không được trở về với Đức Chúa Trời, không được vào Thiên đàng; như ly nước, dầu chỉ bị nhiễm thuốc độc từ gàu, cũng không được đổ trở lại giếng vậy.

Chúng ta hãy nhân cách hóa ba ly nước này. Giả thử, ly thứ nhất nói với ly thứ hai rằng: “Để tôi làm cho chị được thanh sạch”.  “Làm sao được, bạn cũng bị nhiễm độc mà!” Ly thứ hai nói với ly thứ ba rằng: “Để tôi làm cho anh được sạch”.  “Làm sao được, bạn cũng bị nhiễm độc như tôi thôi!”  Cũng vậy, vì cả nhân loại đều đã có tội, nên chúng ta không cứu nhau được. Hơn nữa, một khi nước trong ly đã bị nhiễm thuốc độc, thì cho dầu có thay ly bằng bạc hay bằng vàng, nước vẫn còn thuốc độc. Như, là người tội lỗi, dầu tôi có đi nhà thờ, theo một tôn giáo nào đó, hay tự tu nhân tích đức, cũng không nhờ vậy mà tôi được hết tội.

Hậu quả của tội lỗi là sự chết

Đã có tội ắt phải chịu hậu quả, Lời Chúa cho biết: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

Khi nói đến sự chết, chúng ta thường chỉ nghĩ đến sự tắt thở; tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết, chết là một tiến trình đi vào sự đau khổ vĩnh viễn, gồm ba giai đoạn:

1) Chết tâm linh là bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. A-đam và Ê-va phạm tội nhưng lại không ăn năn, nên bị tách rời ra khỏi sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời: “Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn” (Sáng thế ký 3:24). Từ đó, loài người không còn tương giao, không còn nhìn thấy Ngài nữa: “Ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi” (Ê-sai 59:2).

2) Chết thể xác là tắt thở. Chúa phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng thế ký 3:19).

3) Chết đời đời là giai đoạn kinh khủng nhất! Kinh Thánh cho biết, dầu thể xác con người bị chết vì tội lỗi, nhưng đến ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ làm mọi người sống lại và bị xét xử. Ai đã khước từ ơn cứu rỗi Chúa ban cho thì sẽ bị ngăn cách khỏi Ngài vĩnh viễn, đây gọi là sự chết đời đời. Trong ngày phán xét, Ngài phán rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó…. Rồi những kẻ này sẽ vào hình phạt đời đời” (Ma-thi-ơ 25:41, 46).

Lúc mới tin Chúa, khi đọc đến những chỗ nói về người chết (thể xác) sẽ được sống lại, tôi cho rằng Kinh Thánh viết chuyện hoang đường. Về sau, Chúa cho tôi hiểu được điều này qua hình ảnh của một lon nước: Khi uống xong, lon bị đạp xẹp và vứt bỏ; nhưng nếu nó được đưa vào máy tái tạo (recycle), nó sẽ trở thành một lon mới. Nhân loại còn có thể tái tạo vật mình làm ra, thì việc Đức Chúa Trời làm cho người chết sống lại quá dễ đối với Ngài.

Cũng bởi là tội nhân nên chúng ta không thể nào dùng công đức, bác ái để “đổi chác” được, vì:

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG THÁNH KHIẾT, CÔNG CHÍNH

Kinh Thánh bày tỏ bản tánh Đức Chúa Trời là yêu thương: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi thiên 103:8); dầu chúng ta tội lỗi xấu xa, Ngài vẫn yêu thương chúng ta, nên không muốn hình phạt. Nhưng mặt khác, vì là Đấng thánh khiết, công chính, do đó, Ngài phải trừng phạt. Kinh Thánh dạy: “Đức Giê-hô-va, Ngài là công chính, sự phán xét của Ngài là ngay thẳng” (Thi thiên 119:137 BHĐ).

Người Việt ta có những câu như: “Ông Trời có mắt”; “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không ai lọt”. Những câu này cũng nói lên quan niệm chung rằng, dầu có nhiều đạo giáo, nhưng những tổ chức đó không có quyền và không thể bắt phạt chúng ta, chỉ có Ông Trời mới biết, và có quyền xét xử. Lời Chúa dạy: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13). Chúa công chính nên Ngài: “Chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê díp tô ký 34:7).

Giả định, bạn là vị quan tòa thanh liêm, chánh trực, nhưng các con của bạn lại là những phạm nhân sẽ bị đưa ra trước mặt bạn để chịu hình án. Bạn sẽ làm gì? Nếu bạn không tìm cách cứu con thì bạn không phải là người cha yêu thương; còn bạn không phạt con, hoặc phạt đứa này mà tha đứa kia, vậy bạn chẳng phải là quan án chánh trực. Thật khó cho bạn phải không?  Nhưng đối với Đức Chúa Trời: “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37).

Để thực hiện được cả sự công chính và yêu thương hầu cứu nhân loại, Đức Chúa Trời có một giải pháp tuyệt vời qua Đức Chúa Giê-xu.

Trích từ quyển “TRỞ VỀ NGUỒN CỘI”

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây