TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.7)

0
466

Tin Lành về Đức Chúa Giê-xu  

Chắc bạn đã từng nghe hai chữ “Tin Lành”. Mặc dầu có sự tổ chức, nhưng Tin Lành không phải là một tôn giáo để khuyến khích người tín đồ làm lành lánh dữ. Thật ra, Tin Lành có nghĩa là một tin tốt, tin vui về tình yêu của Thiên Chúa ban cho nhân loại vô vọng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài (tức là Chúa Giê-xu), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Đức Chúa Giê-xu không phải là một vị giáo chủ thành lập “đạo Chúa”, Ngài chính là Tin Lành. Đây là tin tức mà thiên sứ đã loan báo hơn hai ngàn năm trước, không những chỉ cho các mục đồng, mà còn cho mọi dân tộc; thiên sứ phán: “Đừng sợ chi; vì này, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11).

Sứ đồ Phao-lô hớn hở tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16).

ĐỨC TIN CỨU RỖI

Dầu Chúa Giê-xu “là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin,” nhưng không vì vậy mà mọi người đều tự động được cứu; cũng chẳng phải nhờ đi nhà thờ mà được cứu, chúng ta phải tin nơi Ngài! Kinh Thánh dạy: “Hãy tin Đức Chúa Giê-xu thì ngươi… sẽ được cứu rỗi” (Công vụ Các Sứ đồ 16:31). Tuy vậy, Chúa Giê-xu cũng có phán: “Chẳng phải hễ những ai nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa thì được vào nước Thiên đàng đâu” (Ma-thi-ơ 7:21). Như vậy, “tin để được cứu rỗi” có nghĩa như thế nào? Hãy trở lại ví dụ “Vị quan tòa chịu hình phạt thay cho các con”; ta thấy, người cha đã bày tỏ tình thương, cung ứng một giải pháp để cứu các con. Bây giờ, tùy thuộc vào cách mỗi người con đáp ứng với sự giải cứu đó, mới được cứu hay không.

Giả định, người con thứ nhất nói rằng: “Con không có tội!” Dĩ nhiên, không vì nhờ nói như thế mà được tha. Cũng như, dầu tôi có tin Chúa, có đi nhà thờ suốt đời mà tự cho rằng mình không có tội, tin như vậy tôi cũng không được cứu, Lời Chúa dạy: “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (I Giăng 1:10).

Người con thứ hai lại cho rằng phạm tội thì chỉ cần nhận tội và xin lỗi là đủ. Dĩ nhiên, không vì nói hai chữ “xin lỗi” mà được tha. Cũng vậy, nếu tôi nghĩ rằng từ Thứ Hai tới Thứ Sáu tôi cứ phạm tội. Đến Thứ Bảy hay Chúa Nhật tôi đi nhà thờ xưng tội là xong chuyện, rồi lại cứ tiếp tục phạm tội. Con người còn không tha thứ được thái độ như vậy, huống chi Đức Chúa Trời là Đấng công chính, thánh khiết! Lời Chúa chép: “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài (tức là đã tin Ngài), mà còn đi trong sự tối tăm (vẫn tiếp tục phạm tội), ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật” (I Giăng 1:6). Đức tin nơi hai chữ “xin lỗi”, hay “xưng tội” không phải đức tin cứu rỗi.

Người con thứ ba nhận mình có tội, nhưng lại dùng những việc như sơn sửa nhà cửa cho cha, giúp đỡ các em… để được tha tội, dĩ nhiên không được. Chẳng khác nào, tôi biết mình có tội, nhưng lại tìm đủ mọi cách như xây nhà thờ, dựng cơ sở tôn giáo, giúp trẻ mồ côi… để đền bù hầu được cứu rỗi. Mặc dầu yêu thương, giúp đỡ nhau là điều tốt, nên làm và phải làm, nhưng sự chuộc tội phải đến từ lòng thương xót, do ân huệ của Thiên Chúa, chứ không do công đức của nhân loại. Kinh Thánh dạy: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9). Như, cha mẹ cho các con ăn cơm là do tình thương của cha mẹ, chứ không do sự ngoan ngoãn hay công lao của các con. Đức tin dựa vào công đức, việc từ thiện cũng không phải đức tin cứu rỗi.

Người con thứ tư nhận mình có tội, biết cha thương nên đã chịu thế tội để cứu mình; nhưng lại nghĩ rằng chính mình cũng cần phải đền tội, phải nhờ nhiều người tốt xin dùm cho mình, dĩ nhiên không được. Tương tự như vậy, tôi có thể biết Chúa Giê-xu đã chết thay cho tôi, nhưng lại nghĩ rằng sự chết thế ấy chưa đủ; tôi cần phải thêm vào sự dâng lễ, phải nhờ nhiều người cầu xin cho mình, phải đền tội, phải luyện tội, sau đó mới được cứu. Nếu chúng ta nghĩ rằng cần phải thêm những công sức của con người vào sự chuộc tội của Chúa Giê-xu, mới được cứu; vậy, lẽ nào sự chết thế của Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa không đủ để trả hết giá tội lỗi cho loài thọ tạo chúng ta hay sao?

Kinh Thánh cho biết, tất cả tội quá khứ, hiện tại, tương lai của chúng ta đã được Ngài trả hết trên cây thập tự rồi. Lời phán cuối cùng của Chúa Giê-xu trước khi Ngài tắt thở như sau: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Lời Chúa dạy: “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi, gian ác của chúng nó nữa. Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa” (Hê-bơ-rơ 10:17-18).

Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp (dạy chúng ta không được làm điều này, hoặc phải làm điều nọ) mà được sự công bình (tức, được kể như sạch tội), thì Đấng Christ chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21). “Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả” (Rô-ma 6:10). Chúng ta không thể thêm bớt điều gì vào sự cứu chuộc của Ngài: “Bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu” (Rô-ma 3:24). Như vậy, dầu ta tin Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế, nhưng cũng tin rằng cần phải thêm vào những sự cố gắng của chính mình nữa thì mới được cứu; đức tin như thế này cũng chẳng phải là đức tin cứu rỗi.

Chỉ có người con thứ năm được cứu, vì nhận mình là người có tội, xin lỗi cha, và bằng lòng nhận sự cứu giúp của cha ban cho mình. Cũng vậy, chỉ có ai ăn năn tội lỗi của mình, quay trở về với Đức Chúa Trời, tin Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế và nhận Ngài làm Đấng cứu chuộc cho mình thì mới được cứu. Vì bản án dành cho tội nhân là hình phạt đời đời nơi địa ngục, nên chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để tự cứu, ngoại trừ nhận sự chuộc tội của Chúa đã ban cho mình.

Hãy nhớ rằng, thể xác chúng ta sống được là nhờ Đức Chúa Trời, thì vấn đề tâm linh cũng vậy. Dầu Chúa ban không khí để cho nhân loại sống, nhưng không phải có nó là tự động chúng ta sống; muốn sống, chúng ta cần phải nhận nó, tức là hít thở không khí. Cũng như, dầu sự chuộc tội được ban cho trong Đức Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế, nhưng không phải ai cũng được cứu; muốn được cứu, chúng ta cần phải ăn năn tội, cùng thật lòng tin và nhận Ngài. Vì dầu chúng ta “TIN CÓ NGÀI”, nhưng lại “KHÔNG NHẬN” thì cũng như không. “Trời sinh voi, sinh cỏ”, nhưng nếu voi không ăn cỏ, thì voi không thể trách được Trời không thương voi!

Kinh Thánh dạy: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại”, nên Ngài ban Đức Chúa Giê-xu để cứu chuộc chúng ta; nhưng nếu ta không tin nhận thì không được cứu, chứ không như một số người lầm tưởng rằng người ta xuống địa ngục chỉ vì định mệnh.

ĐỊNH MỆNH

Thưa bạn! Một số người thường nghĩ rằng tất cả mọi việc xảy ra cho chúng ta đều do Trời định sẵn cả; cho nên, có muốn được lên Thiên đàng hay xuống địa ngục, chúng ta cũng không có quyền lựa chọn. Kinh Thánh cho biết, có nhiều điều xảy ra là do toàn quyền ấn định của Đức Chúa Trời, như sự ra đời, nơi cư ngụ, ngày sinh, ngày tử của mỗi người…. Lời Chúa chép: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi…. Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (Thi thiên 139:13,16); “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” (Công vụ Các Sứ đồ 17:26).

Tuy vậy, có một số điều khác Chúa định, và đồng thời Ngài cũng ban cho loài người được quyền tự quyết, như trong vấn đề cứu rỗi; Kinh Thánh dạy rằng: “Vì tình yêu thương” mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại Chúa Giê-xu để cứu chuộc chúng ta. Đây là sự định trước bởi ân điển của Ngài, chứ không do ý muốn hay sự xứng đáng của nhân loại. Dầu vậy, Kinh Thánh cho biết, Ngài cũng ban cho chúng ta quyền tự do, để mỗi cá nhân có quyền tự quyết. Chẳng hạn, Chúa dạy: “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê díp tô ký 20:13), hoặc: “Cớ sao ngươi chết trước kỳ định?” (Truyền đạo 7:17); nhưng tôi vẫn có quyền tự quyết để không vâng lời, cầm dao đâm người khác chết, hoặc tự tử.

Ngày xưa, nơi vườn Địa-đàng (Ê-đen) phước hạnh, A-đam và Ê-va đã dùng quyền tự quyết của mình để không vâng lời Chúa mà ăn trái cấm, bởi đó nhân loại mới có sự chết. Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta quyền tự quyết về số phận đời đời của mình. Chúa phán: “Hễ ai tin Con ấy”, và: “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy”, thì sẽ được cứu.

Một khi chúng ta đã dùng quyền tự quyết, chúng ta phải chấp nhận hậu quả hay kết quả của nó. Nếu tôi khước từ ơn cứu rỗi của Chúa, dĩ nhiên tôi sẽ không được cứu, và đó là quyền tự quyết của tôi, chứ Đức Chúa Trời không muốn tôi bị hình phạt đời đời. Kinh Thánh bày tỏ: “Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Giê-xu Christ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Hiện thời, Ngài đang chờ đợi để mỗi người nhận sự ban cho tuyệt diệu này.

Thưa bạn, đời người chỉ là tạm bợ, chóng qua, Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta ăn năn và tin nhận Đức Chúa Giê-xu để được cứu; vậy, được cứu phải là mục đích chính yếu của chúng ta trên đời này.

MỤC ĐÍCH CHÍNH YẾU

Bạn thân mến, trong đời sống chúng ta, những ngày vui vẻ thì dường như rất ngắn, còn những ngày buồn đau lại cảm thấy dài lê thê. Nhưng dầu thế nào đi chăng nữa, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ phải chết. Trong thực tế, cứ mỗi giây đồng hồ trôi qua là sự sống của ta ngắn lại, chúng ta càng gần với cái chết hơn. Như Hàn Mặc Tử rên siết, tuyệt vọng trong Trút Linh Hồn:

… Ta còn trìu mến biết bao người

Vẻ đẹp xa hoa của một trời

Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng,

Ôi! giờ hấp hối sắp chia phôi!…

Sự chết không miễn trừ một ai, dầu chúng ta tránh, không muốn nhắc tới, nó cũng đến. Bởi vậy, trở về với Đức Chúa Trời trước khi thân xác trở về cát bụi, phải là mục đích quan trọng nhất trên đời này. Vì tội lỗi, loài người chỉ sống tạm trong một khoảng thời gian ngắn, là thời hạn mà Đức Chúa Trời ban cho từng người, để chúng ta có cơ hội nhận sự cứu chuộc của Ngài ban cho, chứ không phải để chúng ta tìm kiếm danh lợi, tích lũy vật chất; vì Lời Chúa cho biết: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).

Trích từ quyển “TRỞ VỀ NGUỒN CỘI”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây