Cách thứ hai Thượng Đế bày tỏ cho con người qua lịch sử ấy là dân tộc Do Thái.
Tôi xin nhường lời lại cho Josh McDowell:
“Khoảng 4000 năm trước đây, Thượng Đế đã gọi một người tên Áp-ram, dạy ông phải lìa quê hương xứ sở nơi ông đang sinh sống và ban cho ông những lời hứa này: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, ta sẽ ban phước cho ngươi, cũng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả người nào rủa sả ngươi và các chi tộc trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sa 12:2-3).
Thượng Đế phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương Bắc, phương Nam, phương Đông và phương Tây: Vì cả xứ nào ngươi thấy ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời” (Sáng Thế ký 13:14, 15).
Nói khác đi, Thượng Đế đã hứa ban cho Áp-ram:
- Một dân tộc lớn.
- Một danh tiếng lớn.
- Trở thành một nguồn phước cho mọi dân tộc.
- Và một xứ sẽ thuộc về hậu duệ ông mãi mãi.
Nhiều thế kỷ sau khi Thượng Đế hứa những điều này với Áp-ram, thì một dân lớn đã thành hình đông đến mấy triệu. Họ tiến vào Đất Hứa dưới quyền lãnh đạo của Môi-se và Thượng Đế cảnh cáo rằng nếu họ không vâng lời Ngài thì Ngài sẽ dùng nhiều dân tộc khác đuổi họ khỏi xứ ấy. Ngài báo trước rằng họ sẽ bị tan lạc khắp thế giới, làm khách lạ tại các nước mà họ không hề quen biết, và sẽ không bao giờ tìm được sự yên nghỉ khi lưu lạc rày đây mai đó. Dầu vậy, Thượng Đế vẫn thành tín, Ngài hứa sẽ đưa họ về xứ của họ. Lịch sử đã phán quyết như thế nào? Tuy đã được cảnh cáo, dân Do Thái vẫn sa vào tội thờ hình tượng và họ đã bị đuổi khỏi tổ quốc mình. Năm 606 TCN, vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa đã bắt dân Do Thái đày sang Ba-by-lôn, và đến năm 588-586 TCN sau một cuộc vây hãm dài ngày đã tiêu huỷ kinh đô Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ tại đó. Đó là lần lưu đày thứ nhất. Tuy nhiên 70 năm sau, vào những năm 537-536 TCN Thượng Đế cho phép số người còn sót lại hồi hương trở về xứ như lời Ngài đã hứa. Lần lưu đày thứ hai, vào năm 70 SCN dưới quyền tướng Titus người La Mã, toàn dân Do Thái đã bị đuổi ra khỏi tổ quốc họ và thành phố Giê- ru-sa-lem bị huỷ phá tan tành.
Suốt gần 1900 năm, dân Do Thái đã lưu lạc lang thang khắp thế giới như những khách lạ, bị bách hại từ khắp mọi phía. Thảm nạn lên đến tột đỉnh trong Thế Chiến II, khi 6 triệu người Do Thái bị tàn sát trong các trại tập trung của Đức quốc xã.
Vượt qua bao bất đồng cản trở, quốc gia Do Thái lại hồi sinh vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, và người Do Thái từ khắp bốn phương trời đã trở về xứ của họ. Từ năm 1948 họ vẫn tồn tại qua nhiều tranh chấp khủng khiếp, kể cả Cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967 và Cuộc Chiến Tranh Cho Ngày Thánh năm 1973.
Qua những biến cố vừa kể, người Do Thái đã không hề bị tiêu diệt hay bị mất dân tộc tính. Lịch sử đã chứng minh rằng bất kỳ một dân tộc nào từ bỏ tổ quốc ra đi thì chỉ 5 thế hệ sau sẽ mất đi dân tộc tính, bị cuốn hút vào nền văn hoá mới, nhưng dân Do Thái vẫn tồn tại như một thực thể phân biệt.
Chẳng những họ còn tồn tại, mà các dân tộc từng bách hại ngược đãi họ như dân Mô-áp, A-môn, Ê-dôm và nhiều dân tộc khác nữa đều đã bị tiêu diệt hoặc mất gốc.
Có bao giờ bạn nghe nói một người Thuỵ Điển gốc Mô-áp? Một người Nga gốc Ba-by-lôn, một người Đức gốc Ê-đôm? Hay một người Mỹ gốc A-môn? Không bao giờ! Các dân tộc ấy đều đã bị nhiều nền văn hoá và chủng tộc khác nuốt mất rồi.
Hẳn bạn đã từng nghe nói một người Thuỵ Điển gốc Do Thái? Một người Đức gốc Do Thái hay một người Mỹ gốc Do Thái chứ? Có! Đúng như lời tiên tri, lý lịch của họ đã không hề bị mất đi.”
Thượng Đế của Kinh Thánh là thành tín Ngài đã chứng minh sự hiện hữu lẫn lòng thành tín của Ngài bằng cách đối xử với dân Do Thái như một dấu hiệu khách quan cho thế giới đều thấy.