Trang chủ Blog TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.1)

TRỞ VỀ NGUỒN CỘI (P.1)

0
363

ĐỜI NGƯỜI PHÙ DU

 Sống trên đời này người giàu sang

cũng như người nghèo khó.

 Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dầu

 sống thương đau.

 Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu

khó như nhau…

Đây là một đoạn trích trong ca khúc Trở Về Cát Bụi của Lê Minh Bằng mà có thể bạn đã từng được nghe. Lê Minh Bằng đã ý thức thân phận phù du của con người. Cao Bá Quát cũng có cùng một ý nghĩ, khi ông viết trong Lên Đoạn Đầu Đài:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

Hàn Mặc Tử cũng đã thốt lên: “Nhưng rồi ta sẽ chết, than ôi…”. Sự tuyệt vọng về cái chết bao trùm trên toàn thể nhân loại. Dầu muốn hay không, chẳng một ai trong chúng ta thoát khỏi cái chết. Tất cả đều phải buông xuôi, như Kinh Thánh dạy: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). (Những chữ nghiêng như thế này là lời Kinh Thánh; Hê-bơ-rơ là tên của một sách trong Kinh Thánh; số 9 trước hai chấm nói đến đoạn thứ chín; số 27 nói đến câu 27 trong đoạn này).

 

Sân khấu cuộc đời 

Đời người chẳng khác nào một vở tuồng trên sân khấu, với những màn khác nhau. Lúc sinh ra, chúng ta được cha mẹ yêu thương, chăm sóc; lớn lên cắp sách đến trường; rồi rời khỏi trường học bước vào trường đời.

Trường đời có nhiều gian lao, khó nhọc, lúc vui, khi buồn, phải đấu tranh để sống. May mắn có việc làm ổn định, đồng lương cao, có địa vị, danh vọng; kém may mắn thì thất nghiệp, lắm khi bị chèn ép, thiệt thòi. Đến khi lập gia đình, nhiều lúc cuộc sống vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Niềm vui chóng qua, nhưng nỗi buồn lại cứ triền miên. Thêm vào đó, nỗi lo cho con cái, mong chúng mau khôn lớn thành tài.

Năm tháng dần trôi, tuổi đời chồng chất, sinh hoạt trở nên chậm chạp, chưa kể những căn bệnh hiểm nghèo, phải nằm một chỗ, cần người chăm sóc. Rồi “màn” cuối cùng là cái chết.

Bạn thân mến, khi còn trẻ ta chạy theo tiền tài, danh vọng; lúc bị bệnh nan y, sức mỏn, lực kiệt ta mới biết sức khỏe và sự sống còn quý hơn vàng hay danh vọng. Lúc đó, dầu có toan tính cho tương lai bao nhiêu cũng vô nghĩa. Đời người rơi vào vòng lẩn quẩn “sinh, lão, bệnh, tử”.

Cuộc đời là như thế, nhưng lúc còn sống chẳng mấy ai dành thì giờ tìm hiểu về Thiên đàng hay địa ngục; làm sao để được ở thiên đàng? Đó là điều vô cùng quan trọng. Vậy, mời bạn, chúng ta hãy xem thử vấn đề này như thế nào nhé! Khi nói đến  Thiên đàng, dĩ nhiên phải đề cập đến Đấng Tạo Hóa, hay Ông Trời.

 

NIỀM TIN VỀ ÔNG TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Niềm tin nơi Ông Trời, một Đấng Tạo Hóa, của dân tộc Việt vẫn luôn tồn tại. Đa số người Việt ta tin rằng Ngài chính là Đấng Thần Linh đã sinh tạo và bảo tồn con người, cùng muôn loài vạn vật. Nhiều đời vua nước ta đã nối nhau duy trì Đàn Tế Trời Nam Giao, và thay nhau cầu Trời ban thái bình, thịnh trị, quốc thái, dân an.

Ca dao, tục ngữ Việt cũng nói lên Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng và chăm sóc mọi loài như: “Trời sinh voi, sinh cỏ”, hoặc: “Trời sinh, Trời dưỡng”. Niềm tin Ngài là Đấng Tạo Hóa cũng thấy trong những câu ca dao khác: “Non kia ai đắp mà cao, sông kia biển nọ ai đào mà sâu?” Dân Việt ta tin rằng dầu phải ra công sức, nhưng chính Đức Chúa Trời mới là Đấng ban cho các vật thực, như:

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày 

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp.

Để bày tỏ lòng tôn thờ, biết ơn đối với Đức Chúa Trời, ngày xưa ông bà tổ tiên ta thường lập bàn thờ nhỏ ở ngoài trời gọi là Bàn Thờ Ông Thiên, vài nơi còn gọi là Bàn Thờ Thông Thiên.

Bởi vậy, đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời không phải là theo đạo; tức là, theo một tổ chức tôn giáo, nhưng là quay trở về với Đấng đã tạo sinh nhân loại, là trở về nguồn cội của con người; cũng không phải theo “đạo ngoại quốc”, mà đây mới thật sự là trở về với niềm tin thuần túy của chính dân tộc ta.

Trích từ quyển “TRỞ VỀ NGUỒN CỘI”

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây