Giả định rằng con người không chết, con người có khả năng tồn tại mãi mãi thì còn kinh khủng hơn nữa. Vì nếu không có Thượng Đế, nếu con người chỉ là sản phẩm của vật chất, của ngẫu nhiên, nếu cuộc sống không có mục đích, không có ý nghĩa thì tồn tại mãi để làm gì? Có một câu chuyện khoa học giả tưởng kể rằng một nhà du hành vũ trụ bị bỏ rơi trên một thiên thạch khô khan cằn cổi, lạc lõng ngoài không gian. Anh ta đã đem theo hai ống thuốc. Một ống thuốc độc và một ống thuốc trường sinh. Khi nhận thức được tình trạng bi đát của mình anh ta quyết định chọn liều thuốc độc, nhưng khủng khiếp thay anh ta đã uống nhằm liều thuốc trường sinh! Nghĩa là anh ta phải kéo lê cuộc sống vô nghĩa ấy đến mãi mãi vô tận.
Xét về tính chất một sản phẩm vô tri của vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài vật vì cũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nói thế thật khó nghe, nhưng nếu không có Thượng Đế thì đó là sự thật. Nếu không có Thượng Đế thì bạn và tôi chỉ là một kết hợp tình cờ của thiên nhiên, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ vô mục đích thì bạn và tôi làm sao tìm được mục đích đúng thật cho đời mình.
Còn một vấn đề nữa. Nếu không có Thượng Đế không có sự bất diệt, chết là hết; nếu cuộc đời chấm dứt ở nấm mồ, cuộc sống không có mục đích nào thì có gì khác biệt khi người ấy sống như một kẻ gian ác hay như một vị thánh. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: “Nếu không có sự bất diệt thì chúng ta đều có phép làm mọi sự”. Và rất có lý khi ca tụng tính ích kỷ, hãy sống cho chính mình, vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên đừng liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi; hy sinh cho người khác là dại dột.
Nếu không có Thượng Đế thì chẳng có tiêu chuẩn tuyệt đối nào để thẩm định đúng sai, phải quấy. Ai có thể nói giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Quan niệm đạo đức mất tất cả ý nghĩa trong một vũ trụ không có Thượng Đế. Có nghĩa là không thể lên án chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm và kể đó là điều ác được. Cũng không ai có thể ca ngợi tình huynh đệ, bình đẳng và tình yêu để coi đó là điều thiện. Vũ trụ không có Thượng Đế thì thiện ác không tồn tại, mà chỉ như Jean Paul Sarte nói: “Tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị”. Nếu không có Thượng Đế thì cuộc sống vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị! Bạn có hiểu tầm mức quan trọng của sự lựa chọn bày ra trước mặt chúng ta hay không? Vì nếu Thượng Đế hiện hữu thì còn có hy vọng cho con người, cho bạn, cho tôi. Nhưng nếu không có Thượng Đế thì chúng ta tuyệt vọng. Bạn có hiểu tại sao vấn đề Thượng Đế hiện hữu lại quan trọng đối với con người như thế không? Một nhà văn đã viết: “Nếu Thượng Đế đã chết thì con người cũng chết”.
Thật ra chưa hề có ai sống đúng, sống chân thật với niềm tin “không có Thượng Đế”.
Ai cũng muốn chứng minh đời mình có giá trị, cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích vì ai cũng muốn mình hạnh phúc. Thế nhưng khi tìm kiếm những điều này thì họ đã mâu thuẫn với niềm tin “không có Thượng Đế”, mọi sự chỉ là ngẫu nhiên kia mà!
Bạn có biết vì sao người ta luôn cố gắng chứng tỏ mình tài giỏi, mình thành công, mình đẹp…? Và nếu được thì còn hơn người khác nữa. Vì sao người ta cảm thấy khốn khổ khi không được người khác yêu thương, khen ngợi? Vì sao con người lại sợ cô đơn, sợ bệnh tật, sợ lừa dối, sợ chết…? Vì sao người ta cố gắng sống thiện lành để đức lại cho con cháu?
Vì thật ra người ta không thể sống đúng với quan niệm rằng mình chỉ như con giun con dế, một sản phẩm của ngẫu nhiên tình cờ và rồi một ngày nào đó không còn là gì cả.
Tại sao người ta lên án chiến tranh, chế độ nô lệ, sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị giai cấp? Tại sao người ta lên án sự lừa dối, phản bội, độc tài, độc đoán? Tại sao chấp nhận lấy chuột, thỏ làm vật thí nghiệm mà lại lên án khi đem người làm vật thí nghiệm? Tại sao người ta không chịu ngồi yên khi Đức Quốc Xã giết hàng triệu người Do Thái, khi Pôn-pốt tiêu diệt hàng triệu đồng bào của ông ta? Vì con người không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng giá trị con người chỉ là kết quả của sự tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Người ta không thể sống thành thật với quan niệm cho rằng vấn đề thiện ác, đạo đức chỉ là sở thích cá nhân… Nhưng như vậy là đã mâu thuẫn, là đã phản bác điều họ vẫn tin “không có Thượng Đế” mất rồi!
Tại sao lại phải cố gắng đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ? Thiên nhiên thế nào cũng đúng cả mà, phụ nữ có khác gì một con gà mái hay một con dê cái? Có ai sống nỗi với quan niệm như vậy không?!
Tại sao chính những người vô thần, những người tuyên bố “không có Thượng Đế” lại lên án những kẻ tư kỷ chỉ biết hưởng thụ vui chơi? Tại sao họ lại ca ngợi những người biết dốc lòng cho thế hệ mai sau? Vì tự thâm tâm họ hiểu con người không phải là một con vật. Con người chết chưa phải là hết, không thể nào kết cuộc những năm tháng sống trên đời, dù gian ác hay thiện lành, rồi chỉ là một nấm mồ, không còn gì sau đó nữa. Không thể thế được. Không đúng thế.
Tại sao lại phải nỗ lực giáo dục trẻ thơ biết tôn trọng người khác, biết lễ nghĩa hiếu kính…? Xin bạn cho biết vì sao.