NẾU KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ (Phần 2)

0
442

Tôi hoàn toàn đồng ý với Pascal vì:

NẾU KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ thì…

Đáp lại câu hỏi “Tôi là ai? Tôi có mặt trong cõi đời này để làm gì? Rồi tôi sẽ đi về đâu?” những người vô thần sẽ trả lời như sau: “Con người là một sản phẩm tình cờ của thiên nhiên, một kết quả từ vật chất, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên”. Vì là ngẫu nhiên tình cờ nên sự hiện diện của con người không có lý do, không có mục đích. Cho dù con người sống thế nào thì cuối cùng đời người là sự chết và chết là hết !

Con người giống như những sinh vật phải chết. Không có hy vọng gì vào cõi trường sinh, đời người chỉ là những ngày ngắn ngủi trên đất mà không ai biết mình sống được bao lâu. Đời người chẳng khác một tia sáng chợt loé lên trong bóng tối vô cùng tận, rồi tắt lịm mãi mãi. So với thời gian vô tận, thì đời người chỉ là một thoáng qua không đáng kể, sống vài năm hay vài chục năm thật ra không khác gì nhau. Bây giờ tôi biết mình đang tồn tại trong cõi đời này, rồi một ngày kia (ngày nào đó tôi không biết) tôi sẽ chết, không còn hiện hữu nữa.

Nếu không có Thượng Đế thì không có sự bất diệt. Nếu chết là hết, con người không còn hiện hữu khi qua đời, thì ý nghĩa cuối cùng của đời người là gì? Việc người ấy có mặt trên đất này vài giờ hay vài chục năm có gì quan trọng, có giá trị gì không? Có thể cho rằng cuộc sống người ấy là quan trọng vì đã gây ảnh hưởng đến người khác, đến tiến trình của lịch sử nữa. Thật ra, nếu không có Thượng Đế thì ảnh hưởng ấy có nghĩa gì? Khi mọi sự kiện chỉ là vật chất tình cờ xảy ra thì việc tác động trên biến cố, trên sự kiện ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng con người dù sống ra sao thì cũng như nhau vì tất cả có cùng số phận giống nhau? Quá trình ngẫu nhiên đã sản sinh thì cũng ngẫu nhiên biến mất.

Nếu thật vậy thì những đóng góp của các nhà khoa học để gia thêm tri thức cho con người, những công trình nghiên cứu của các bác sĩ để làm giảm bớt bệnh tật, đau đớn; những nỗ lực của các nhà ngoại giao để tìm kiếm hoà bình cho thế giới; những hy sinh của biết bao người để làm thăng tiến mức sống của con người; những mồ hôi nước mắt của các nhà giáo dục… đem lại ích lợi thật sự nào cho những “sản phẩm từ vật chất tình cờ của thiên nhiên, cộng thời gian, cộng ngẫu nhiên” và chết là hết? Nhưng thực tế chứng minh những nỗ lực của con người không phải như vậy.

Và nếu con người dù sống thế nào thì mọi người đều đến một số phận như nhau, vì tất cả chết là hết thì phân tích cho cặn kẽ thời gian dùi mài kinh sách, làm việc, nghiên cứu, tình bằng hữu… mọi thứ có ý nghĩa và mục đích gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây