3. Mối tương giao tốt đẹp chính là điểm khác biệt giữa sống, chết.
Để nhìn thấy rõ ràng tầm quan trọng tối hậu của tương quan cá nhân trong cuộc sống, chúng ta hãy quay sang câu chuyện nổi tiếng do Chúa Giê-xu kể lại về “Người Con Trai Hoang Đàng” (Lu 15:11-24): Người kia có hai con trai, đứa nhỏ nói với cha rằng “Bây giờ con muốn được phần gia tài của con. Con muốn được độc lập”. Người cha miễn cưỡng chia tài sản gia đình cho con. Chỉ vài ngày sau, chàng thanh niên bỏ nhà ra đi để tìm cuộc sống tốt đẹp nơi chốn thị thành…Trong phần sau câu chuyện, chúng ta sẽ thấy người cha thật vô cùng kiên nhẫn và hiểu biết, nhưng người con đã cắt đứt mối tương quan đẹp đẽ với cha và xem tự do, gia tài, những quyến rũ của cuộc sống đô hội cùng xã hội phóng túng vui chơi là giá trị hơn. Lúc rời bỏ cha, chàng đã quay lưng khỏi điều quan trọng nhất của đời mình. Đó là khởi điểm sự chết, vì chết trong ý nghĩa thâm sâu nhất, chính là mất tương giao. Chàng thanh niên đã chọn chết hơn là sống. Lỗi chính yếu của chàng là gì? Có phải là phung phí tiền bạc chăng? Có phải là chọn lầm bạn hữu chăng? Đó chỉ là những hậu quả thôi. Lỗi chính yếu của chàng ấy là đã khước từ mối tương giao với cha mình. Nếu chàng có bỏ đi vì một lý do nào đáng kể như là tiếp tục việc học hoặc kiếm việc làm đi nữa thì lỗi chàng cũng không nhẹ đi phần nào, bởi cớ động lực căn bản vẫn là muốn hoàn toàn cắt đứt tương giao với cha. Vấn đề của câu chuyện ấy là chàng đã vứt bỏ mối liên hệ của đạo làm con vì ham muốn một điều gì khác. Chàng tưởng sẽ tìm thấy sự sống nơi thành thị, nhưng cuối cùng chàng đã đánh mất nó thật sự.
Lúc còn tiền của, chàng có tất cả mọi sự: bạn bè, sống sung túc, xa hoa và đầy đủ tiện nghi; những thú vui vật chất được thỏa mãn. Lúc hết tiền, tất cả mọi sự đều mất theo, chàng chỉ còn trơ trọi một mình. Cái tôi hiện tại của chàng cũng không còn được tôn trọng nữa, trong dày vò, chán nản và cô đơn, chàng đánh mất luôn chính bản thân. Khi chúng ta vứt bỏ những tương quan căn bản, chúng ta sẽ mất ngay mối tương quan với những gì thuộc về vật chất, tinh thần, lý tưởng và cuối cùng với chính chúng ta nữa. Đó là cô đơn, là sự chết.
Bây giờ đến khúc quanh của câu chuyện Chúa Giê-xu kể: “Nhưng khi tỉnh ngộ, chàng trai ấy mới tự nhủ: Tại nhà cha ta, biết bao người làm công được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng: “Thưa cha, con đã phạm tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa, xin cha xử con như đứa làm mướn của cha vậy” (Lu 15:17-19). Chàng đã quay về với con người thật của mình và hồi tỉnh lại. Sau khi thử nghiệm mọi sự và khám phá rằng tất cả đều đưa chàng trở về với trống rỗng, chàng mới nhận thức được điều hệ trọng thật chính là mối tương giao giữa chính mình chàng với cha. Nếu bảo rằng người con chỉ lưu tâm đến thức ăn cùng những sung túc gia đình, thì chúng ta cảm biết mình có tội. Qua kinh nghiệm, chàng đã nhìn thấy rõ ràng lầm lỗi là bất cứ điều gì phá vỡ mọi tương giao. Và tội lỗi nhất là tội nghịch với Trời, hay là tội nghịch với Thượng Đế, đưa đến kết cuộc là xây lưng khỏi Thượng Đế. Đổ vỡ tương giao với Thượng Đế đưa đến đổ vỡ tương giao với loài người và mọi vật khác. Bây giờ chàng mới biết thế và quyết định sửa lỗi dù phải mất cả thể diện. Chàng cương quyết quay về, xoay hẳn một góc độ một trăm tám chục độ. Thay vì bỏ đi xa hơn, chàng tự nguyện trở về cùng cha. Hoặc nói cách khác, chàng đã ăn năn lầm lỗi.
Bây giờ chàng mới nhìn thấy mối tương giao với cha quý báu đến nỗi chàng muốn quay về dù biết không thể khôi phục lại địa vị ngày xưa. Chàng không mong được trở về như một người con trong gia đình, chỉ đóng vai một đứa đầy tớ để được về nhà cũng đủ lắm rồi. Đối với chàng, sự thay đổi tâm hồn này chính là khởi đầu một sự sống mới. Từ trước chàng chỉ hiện hữu; đến bây giờ chàng mới thật sống. Như cha chàng đã nói: “Con ta đây đã chết, bây giờ lại sống” (Lu 15:24)