BẠN THẬT SỐNG? (Phần 2)

0
142

2. Sống là tương giao giữa cá nhân

Làm sao có thể biết chắc rằng chúng ta thật đang sống? Trước hết chúng ta phải nhận thức được nguyên nhân chính yếu phân biệt giữa hiện hữu và sống thực. Một thiếu phụ phải làm việc vô cùng nhọc nhằn để nuôi sống bản thân cùng ông chồng lười biếng, đã trả lời khi có người hỏi bà ta tại sao chịu nổi được ông chồng như vậy: “Tôi tạo cuộc sống, nhưng ông ta làm cho cuộc sống có ý nghĩa”. Theo bản năng, bà ta biết rằng điều cần yếu thật trong cuộc sống là sự tương giao thương yêu giữa người với người. Hiện hữu trở thành sự sống khi – và chỉ khi – trung tâm của nó là mối tương giao kỳ diệu giữa người này với người khác. Giả thử có lúc bạn nắm được tất cả những gì bạn muốn về của cải, thành công, danh vọng, uy tín, thế lực, tri thức cùng sức khỏe, nhưng lại mất tất cả những tương giao cá nhân, khi ấy bạn có còn cảm thấy cuộc đời đáng sống không? Nếu phải chọn lựa, bạn há chẳng chọn hoàn cảnh ngược lại để được tương giao với gia đình, bạn bè cùng đoàn thể, dù phải thiệt thòi mọi điều khác hay sao?

Nếu còn đặt của cải vật chất trên sự tương giao nhân loại thì chúng ta vẫn chưa tìm được sự sống. Cha mẹ thường lầm lẫn điều nầy. Đôi khi họ chú tâm đến nhà cửa, vườn tược, bàn ghế, cùng xe hơi của mình hơn là cảm nghĩ của con cái. “Đừng cào xước bàn ghế”, “Đừng làm dơ áo mới của má”, “Đừng dẫm lên hoa”…..Tất cả những cái “đừng” này cùng nhiều cái “đừng” khác buộc con cái phải nghe, chứng tỏ cha mẹ lo lắng đến tài sản hơn là sự bất mãn của con cái đến mức độ nào. Nhiều bà mẹ làm việc suốt ngày chẳng phải vì nhu cầu tài chánh, nhưng vì họ xem trong lợi tức phụ trội hơn là lo nuôi dưỡng con cái. Một ngày nào đó họ phải trả giá. Con cái, do bản năng biết rằng cha mẹ quý tiền bạc cùng của cải hơn mình, và trong vô thức đã chống lại cha mẹ. Đến tuổi tự lập, mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái bị đổ vỡ. Cha mẹ sững sờ không hiểu vì sao con cái từ bỏ mình và cảm thấy lo âu. Thật ra họ chỉ gặt điều họ đã gieo. Đã quá muộn.

Chúng ta sẽ mất sự sống nếu chúng ta xem trọng tri thức hơn những tương giao giữa những cá nhân với nhau. Sinh viên thường hay rơi vào lầm lỗi này. Lúc còn ở đại học, họ sống bầu không khí mà mọi tư tưởng cùng quan niệm, mọi dữ kiện cùng lý thuyết, đều được gán cho một giá trị rất cao. Con người được phán đoán theo tiêu chuẩn tri thức, và bằng cấp là thước đo lường thành công của người sinh viên. Trong tương lai, người đó được một địa vị trong ban giảng huấn hay không cũng còn tùy thuộc giá trị những bài báo cùng sách vở người ấy xuất bản. Trường học chỉ là một thế giới tri thức lạnh lùng, trong đó mối tương giao giữa người với người là một điều may rủi. Theo lời tường trình của ban cố vấn sinh viên tại một trường đại học nói thì cô đơn chính là vấn đề tối trọng của sinh viên. Đó là điều dĩ nhiên. Trong cái thế giới tri thức mà ai nấy đều đặt mối tương giao giữa người với tư tưởng lên trên mối tương quan giữa chính mình với tha nhân, hẳn mỗi cá nhân phải cảm thấy bị lạc loài và lãng quên.

Chúng ta sẽ mất sự sống thật nếu chúng ta quá yêu chuộng những lý tưởng hơn là mối tương giao với nhân loại dù là những lý tưởng cá nhân, gia đình, tổ quốc hay là triết lý trừu tượng cùng tôn giáo đi nữa. Dù lý tưởng có giá trị đến đâu cũng sẽ chỉ gây ra tan vỡ, đau thương trong nhiều cõi lòng khi con người nâng nó lên cao hơn mối tương giao nhân loại. Danh dự gia đình chẳng hạn cũng là một lý tưởng. Theo văn hóa Nhật-bản đứa con nào mang hổ nhục cho gia đình phải bị từ. Người vợ nào làm nhục gia đình phải bị ly dị. đứa đầy tớ nào không làm tròn nhiệm vụ phải tự vẫn. Dưới hệ thống giá trị này, con người đã phải gánh chịu bao nhiêu cam go không diễn tả được, nhưng ngày nay lớp người trẻ tuổi đang chống nghịch lại những khuôn mẫu tư tưởng vô nhân đạo ấy. Con người Tây phương cũng có thể sai lầm dễ dàng như vậy. Nhơn danh một vài nguyên tắc, – phong tục tiến bộ, công lý, bình đẳng, hòa bình và cả dân chủ nữa – chúng ta có thể chà đạp nhân cách và phá vỡ mọi tương giao quý báu. Tình cảm kính trọng sâu xa đối với từng cá nhân đã vùi dập vì lòng say mê những nguyên tắc triết học, khoa học… Con người đã bị sử dụng – và bị lạm dụng – làm phương tiện đưa đến một cứu cánh. Nhưng những lầm lỗi ấy có thể tránh được. Sự cao cả của Giê-xu ấy là dù phải hoàn tất cả một sứ mạng quan trọng, Ngài vẫn không bao giờ thiếu thông cảm dịu dàng đối với mỗi cá nhân chung quanh Ngài. Chẳng hạn Ngài trách người Pha-ri-si lúc nào cũng thích đặt chủ nghĩa duy luật (lý tưởng trong cách cư xử tôn giáo) lên trên mối quan tâm đến những nhu cầu cá nhân: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người” (Mac 2:27), Ngài thấu rõ điều hệ trọng trong đời sống cá nhân và đoàn thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây