Tôi bắt đầu quan tâm đến tôn giáo vì tôi tin rằng tôn giáo mới giải quyết được những nan đề cho con người, đặc biệt trong lãnh vực tinh thần, tâm linh.

“Đường nào rồi cũng dẫn đến La Mã!” Đạo nào cũng khuyên dạy con người làm lành tránh dữ mà thôi. Với quan điểm đó, tôi đã tìm hiểu một số tôn giáo và nhận thấy rằng hầu hết các tôn giáo dù xuất phát từ những vùng địa lý và vào những thời điểm khác nhau nhưng những nét căn bản lại gần như giống nhau nên tôi – cũng như nhiều người khác – kết luận: “Đạo nào cũng là Đạo”.

GIÁO CHỦ ĐÁNG KÍNH

Nói đến tôn giáo, người đầu tiên tôi nghĩ đến là người sáng lập, là vị giáo chủ. Phần lớn các vị đều là những người đáng kính phục; vị nào cũng có một tiểu sử đặc biệt khác người. Dù sống trong các thời đại khác nhau, nơi chốn khác nhau, nhưng ai nấy đều có một điểm chung nổi bật, đó là thông minh, tài trí hơn người, là những bậc vĩ nhân xuất chúng. Hầu hết các vị ấy đều dày công tu luyện và sau một thời gian nghiên cứu, suy ngẫm, thuyết giảng, huấn luyện môn sinh, khi đã nhắm mắt tắt hơi, ngoài di hài hoặc xá lợi…, các vị ấy còn để lại cho đời sau những giáo huấn và gương tu luyện của mình. Đọc tiểu sử các giáo chủ, trong tôi dậy lên một niềm thán phục vô biên về việc xuất thế dấn thân của họ và tôi nghĩ, ước gì Trời cho các vị ấy được sống mãi đến ngày nay để tôi được gặp mặt tỏ lòng ngưỡng mộ thì sung sướng lắm thay.

THỬ TỰ CỨU MÌNH

“Hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu”. Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm nầy.
Trong cuộc sống thường ngày, tôi phải chật vật, tận lực để kiếm miếng cơm manh áo, không thể nằm chờ sung rụng. Tôi lý luận, trong lãnh vực tâm linh cũng vậy, để được cứu rỗi linh hồn, cần phải nỗ lực bản thân.

Nhìn chung các tôn giáo mà tôi biết, có nhiều khác biệt về nguồn gốc, hình thức, lễ nghi… nhưng những điểm căn bản thì giống nhau, gần như đều có cùng một mẫu số chung là khuyên dạy con người làm lành tránh dữ và tu luyện để tự cứu. Tôi chấp nhận mọi tôn giáo vì cho rằng Đạo nào cũng là Đạo, miễn ‘có đạo’ là tốt rồi; mỗi người đi một con đường nhưng cuối cùng cũng về đích chung thôi.

Tu thân tích đức, ăn hiền ở lành, làm phước bố thí… là những phương cách căn bản mà các tôn giáo đề ra cho con người tự cứu mình. Cần phải tu trì và tích lũy công đức, công đức càng dày thì càng hy vọng gần với sự cứu rỗi. Vì vậy, dù vẫn mưu sinh bình thường nhưng tôi bắt đầu quan tâm đến cách sống của mình hơn, tôi cố gắng ăn ở ngay lành trước mặt mọi người, dành ra thì giờ tham gia công tác từ thiện, góp công, góp của nhằm tạo công đức cho mai sau.

Điều nầy thật khó vì tôi vẫn thường xuyên phạm sai lầm, nhưng tôi tin là trong tôi có một năng lực lớn, chỉ tại tôi chưa biết khai thác nguồn năng lực đó như các vị giáo chủ thôi. Tôi cũng tự cổ vũ bản thân: sai thì sửa, cứ cố gắng không ngừng, với quyết tâm, nỗ lực ắt sẽ thành công. Đối với tôi, điều quan trọng không phải là theo Đạo nào nhưng tôi đã tích lũy công đức được bao nhiêu vì nền tảng để được cứu rỗi của hầu hết các tôn giáo là công đức bản thân. Đạo nào cũng là Đạo, đủ công đức cuối cùng cũng sẽ gặp nhau.

Tuy nhiên có một điều khiến tôi băn khoăn là bao nhiêu công đức mới đủ? Và điều tốt tôi làm có đúng theo tiêu chuẩn được đánh giá là tốt hay chưa?

Bạn đã bao giờ băn khoăn về những câu hỏi này chưa?

Trích từ quyển “Về Đâu?”

Nếu bạn có thắc mắc cần được giải đáp hãy liên hệ với chúng tôi theo mẫu bên dưới hoặc chat trực tiếp với chúng tôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây