Con người luôn luôn lo lắng dù nghèo hay giàu, già hay trẻ, thể xác lẫn linh hồn, đời này lẫn đời sau. Nếu chỉ có thể xác mà không có linh hồn, nếu chỉ có đời này mà không có đời sau, nếu chỉ có nhu cầu thể xác mà không cần nhu cầu linh hồn…thì cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Nhưng trên thực tế thì sao?

Trajan, một vị hoàng đế La Mã đã nói: “Hỡi linh hồn ta, khi đầu này không còn đội mão miện nữa, tai không còn thích nghe âm nhạc nữa, mắt không còn thích nhìn vẻ đẹp trong vũ trụ nữa… thì ngươi sẽ về đâu?” Khi linh hồn lìa khỏi xác lúc đó con người có ý thức không? Kể từ nay đến hàng triệu hàng tỉ năm sau và cả cõi đời đời tình trạng con người sẽ ra sao? Có đời sau và có linh hồn không?

Trên đây là những câu hỏi khó, mong rằng chúng ta sẽ tìm được câu giải đáp đúng. Trong phạm vi bài nầy chúng ta sẽ tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Có linh hồn không?  Linh hồn có tồn tại sau khi chết không?  Làm sao giải cứu được linh hồn?”

Theo Socrate linh hồn là trí tuệ, còn Platon cho linh hồn có 3 phần:

–  Trí khôn: định cư trong bộ óc là trung tâm của tư tưởng.

–  Tim: định cư ở ngực, nơi phát xuất những đam mê thượng đẳng.

–  Phần dưới: nơi xuất phát những đam mê hạ đẳng.

Quan niệm của dân gian chết là “qua đời”, “linh hồn lìa khỏi xác”, “thiên sinh vạn vật, duy nhơn tối linh” (Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật nhưng chỉ có con người là linh thiêng hơn hết).

Hãy trở về với Kinh Thánh là lời phán của Đức Chúa Trời để minh định linh hồn như thế nào. Vì Con người là sản phẩm của Đức Chúa Trời. Thi thiên 139:13, 14 có chép: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.

Chiếc máy điện tử có rất nhiều công dụng khác nhau (pha bột, đánh trứng, làm những bài toán, những trạm rađa, …) thay thế con người rất nhiều nhưng vẫn không thể làm được những điều mà chỉ con người mới biết.

Không một chiếc máy điện tử nào bằng con người vì nó là sản phẩm của con người, nhưng con người là sản phẩm của Đức Chúa Trời.

I. SỰ THỰC HỮU CỦA LINH HỒN

Đây là điều hiển nhiên đối với con người. Xã hội học cho biết từ thời sơ khai con người đã hình dung cách đơn sơ linh hồn biệt lập với thân thể. Tư tưởng bao gồm những khái niệm không thuộc phạm vi vật chất. Linh hồn là đơn chất nên có tính cách bất khả phân. Có người cho rằng chỉ có bộ óc điều khiển con người và khi con người chết thì hết, không có linh hồn. Đó là quan niệm sai lầm bởi vì bộ óc không phải là con người thật mà chỉ là dụng cụ để con người sử dụng, não không có ý thức về tư tưởng như chiếc đồng hồ không có ý thức về thời gian. Cây đàn chỉ phát ra điệu nhạc nhưng cây đàn không phải là nguyên nhân thực sự của điệu nhạc mà do người đánh đàn. Khoa học đã thành công trong việc cắt bỏ một phần của bộ óc mà không gây thiệt hại cho nhân cách con người.

Có một sinh viên kia gặp một vị mục sư để lý luận về linh hồn. Anh ta cho rằng con người chỉ có: Nước, sắt và diêm sinh (theo hóa học). Mục sư ngồi yên lặng không nói gì cả, anh sinh viên cứ nói và chờ mục sư trả lời. Cuối cùng mục sư nói rằng: Tôi không thể nói chuyện với nước, sắt và diêm sinh!

Về phương diện vật chất con người không có giá trị gì nếu cất linh hồn ra khỏi. Theo một nhà khoa học đánh giá về vật chất trong cơ thể con người (chất nổ, chất lân, chất sắt, chất đường, chất vôi, chất lưu huỳnh…) chỉ đáng giá 2 USD, khoảng 40.000 đồng VN.

Chắc chúng ta không thể chối cải được về việc con sâu trở thành con bướm – con người há không kỳ diệu hơn khi thể xác bị chôn vùi và linh hồn sẽ sống sao?

Chiếc lồng nếu thiếu con chim sẽ không có giá trị. Nếu chỉ có thể xác không có linh hồn, chết là hết là một sự bất công và vô nghĩa cho con người.

Bằng chứng mạnh mẽ nhất về linh hồn đó là Kinh Thánh. Truyền đạo 12:6, 7 : “Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. Sáng thế ký 1:26; 2:7 : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất”;  “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”. Đức Chúa Trời dựng nên con người từ bụi đất, rồi khi chết cũng trở về bụi đất, nhưng Ngài đã cho con người có linh hồn và sẽ trở về với Đức Chúa Trời để Ngài đoán định. Ngày nay con người vẫn là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời qua công lệ sinh hóa di truyền.

II. SỰ BẤT DIỆT CỦA LINH HỒN

Khi con người chết thì linh hồn cũng biến mất chăng? Chắc chắn là không, vì linh hồn là bất tử; bất tử không có nghĩa là không chết nhưng không bị tịch diệt tức là cứ tiếp tục hưởng sự sống đời đời phước hạnh trong Chúa hoặc cảm biết đau đớn đời đời trong sự hình phạt của Đức Chúa Trời.

1. Bằng chứng siêu hình

Linh hồn là một đơn thể, bộ óc chỉ là môi trường để qua đó tư tưởng được chuyển đạt, vì thế bộ óc bị phân hoại nhưng linh hồn vẫn còn, như tấm gương soi bị đập vỡ nhưng con người đứng trước gương vẫn còn.

2. Bằng chứng cứu cánh

Con người là hữu thể có khả năng trí tuệ, đạo đức,… chưa phát triển trọn vẹn, chưa trọn thành. Một số thần học gia cho rằng: Nếu con cá chỉ hoạt động trong một cái lu, hồ nước thì chưa đủ phải có sông ngòi, biển cả mênh mông cho nó vẫy vùng. Nếu một con chim chỉ ở trong lồng thì chưa đủ, phải có không gian vô tận để nó bay nhảy. Nếu con người không có cõi vĩnh sinh để sống thì thật chưa đúng ý nghĩa của đời sống con người. Dù là thuyết tiến hóa nhưng vẫn tin vào sự vĩnh tồn của linh hồn.

3. Chứng lý đạo đức

Con người ngày nay chưa được thưởng phạt công minh, đầy đủ, người lành người dữ chưa thấy được sự báo trả. Vì vậy cần có đời sau để thể hiện sự công bằng, nếu không có linh hồn thì là một sự bất công.

4. Chứng lý lịch sử

Người Hy Lạp khi liệm người chết thường để trong quan tài một số tiền để qua tử hà.

Người Ai Cập liệm người chết luôn với quyển sách có ghi bài cầu nguyện và bản đồ chỉ dẫn để không đi lạc đường trong cõi sau.

Người Gauloir (tổ tiên người Pháp) sẵn sàng cho người nghèo mượn tiền,  miễn người ấy phải hứa là sau khi chết sẽ trả.

Người Na Uy thường chôn con ngựa và áo giáp luôn với người chết vì họ tin rằng sau khi chết  người đó vẫn dùng nó.

Phong tục của một số thổ dân chôn luôn con chó với người chết là em bé, để nó sẽ dẫn đường cho em bé đó.

Một số đông người Việt Nam tin rằng chết ba ngày mở cửa mả để người chết siêu thoát. Chúng ta không thể nói hết những quan niệm của con người về việc tin có linh hồn và đời sau. Chúa Giê-xu phán: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng làm cho mất linh hồn và thân thể trong hỏa ngục”. (Ma-thi-ơ 10:28)

Theo quan điểm Kinh Thánh thì sự chết, sự sống thật sự có liên quan đến ba phương diện: Linh hồn, thể xác và đời đời.

III.  SỰ GIẢI CỨU CHO LINH HỒN

Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 9:27 đã chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét”. Sự chết là một sự thật không cần phải chứng minh thì sự phán xét cũng chắc chắn như vậy. Nhưng con người đối diện với sự phán xét bằng thể xác hay linh hồn? Chắc chắn cả hai. Vì Đức Chúa Trời đã dựng nên con người có cả hai phương diện thì sự phán xét định tội hay giải cứu cũng phải liên quan đến hai phương diện. Rồi đây tất cả mọi người sẽ sống lại để ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời. Dù con người chết bằng cách nào, ở bất cứ nơi nào, thời đại nào đều phải đối diện với Chúa để khai trình với Ngài. Nếu mất tài sản, tiền bạc, danh dự thì sự mất mát rất lớn nhưng mất linh hồn là mất tất cả.

Linh hồn cha cũng như linh hồn con, linh hồn nào phạm tội, linh hồn đó sẽ chết”. (Ê-xê-chi-ên 18:4). Trong Kinh Thánh Lu-ca 12:20 có chép: “Linh hồn ngươi bị đòi lại…” có nghĩa là linh hồn không thuộc về chúng ta mà trong quyền Thượng đế và chúng ta cũng không biết lúc nào xảy ra. Tất cả những điều chúng ta sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Đó cũng là sự hư không.

Khi đối diện với Đức Chúa Trời chắc chắn chúng ta không đem được gì theo ngoài hai điều: Linh hồn của mình và linh công (công việc thuộc linh làm cho Chúa). “Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được?” (I Ti-mô-thê 6:7).

Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Vậy người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26). Gạt bỏ Ngài ra khỏi đời sống, chối bỏ Đấng đáng thờ phượng là Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-xu thì không ai được cứu rỗi linh hồn, nhưng linh hồn phải chết, nghĩa là phải cảm biết đau đớn đời đời trong sự hình khổ của địa ngục.

Chúng ta chỉ sống trên thế gian nầy một thời gian ngắn ngủi mà chúng ta còn lo lắng, tranh đấu trong khi chúng ta sẽ bước vào cõi đời đời để tận hưởng phước hạnh hoặc khóc lóc nghiến răng mà chúng ta không lo lắng sao?

Mong rằng cõi đời đời và phần linh hồn của chúng ta sẽ được chúng ta quan tâm hơn; nếu chưa giải quyết thì đừng nhắm mắt đưa chân. Có thể năm nay chúng ta đang đứng trên bờ vực của cõi đời đời và khoảnh khắc cuối cùng của cuộc sống trên thế gian.

Phương pháp duy nhất để được cứu rỗi linh hồn ấy là ăn năn tội lỗi của mình vì tội lỗi ngăn trở nguồn sự sống từ Chúa và đưa chúng ta vào sự chết cả linh hồn lẫn thể xác trong hỏa ngục. Tiếp theo là phải tiếp nhận Chúa Giê-xu, tức là tin nơi phương pháp cứu rỗi mà Chúa đã thực hiện cho loài người, tiếp nhận bằng đức tin.

Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy”. (Giăng 1:12, 13)

Sự chết thể xác không phải là tận điểm mà là ngưỡng cửa để bước vào cõi đời đời, nhưng trong cõi đời đời linh hồn quý vị sẽ ra sao?

Có một câu chuyện kể về một Cơ đốc nhân trước khi bị xử tử. Người lính canh cảm thương, cho ông gặp đứa con gái mình lần cuối nhưng ông ấy trả lời: “Ồ! rồi đây tôi sẽ còn gặp con tôi nữa chứ, vì chúng tôi tin Chúa Giê-xu, chắc chắn chúng tôi sẽ tái ngộ ở Thiên đàng”. Vì vậy nên ông rất thản nhiên trong giờ phút cuối cùng khi đối diện với sự chết.

Đừng chỉ lo cho thể xác mà không lo cho linh hồn, đừng để thân thể no đủ mà linh hồn bị đói khát. Hãy đến với Chúa để được cứu linh hồn và thể xác tương lai được sống lại và biến hóa để hưởng phước hạnh đời đời với Chúa.

Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng có thể giết được linh hồn và thể xác nơi hỏa ngục

“Nếu đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại thì sao?”

Hãy đến với Chúa trước khi quá muộn.

Mục sư Thái Phước Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây