Có nhiều quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo, dĩ nhiên trong đó có những quan niệm đúng đắn hoặc lệch lạc, sai lầm, do thành kiến . . . Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ấy là tín ngưỡng tôn giáo đó có đem lại điều gì cho đời sống con người hay không. Nó không phải là quan điểm mà là nhu cầu không thể thiếu, gắn bó rất thiết thực với đời sống cả hiện tại và tương lai.

Chắc ai cũng thừa nhận rằng con người không chỉ có nhu cầu về thể xác như cơm ăn áo mặc mà có quá nhiều nhu cầu khác nữa không kém phần quan trọng, mà thậm chí người ta sẵn sàng hy sinh, tìm kiếm bảo vệ nó hơn cả đối với tiền bạc, nhà cửa và cả mạng sống.

Trên thế giới số người có tín ngưỡng và tôn giáo là đại đa số so với người không có tín ngưỡng và tôn giáo. Riêng tại Việt Nam theo ước tính hiện nay có khoảng 80 % dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó nói lên nhu cầu thiết thực của con người là thể nào.

I. TÍN NGƯỠNG CÓ CẦN KHÔNG?

Có biết bao nhiêu điều không thể tách rời với đời sống, một trong những điều đó là tín ngưỡng và dẫn đến tôn giáo chân chánh. Tín ngưỡng là gì? Là tin tưởng, ngưỡng mộ. Chỉ có con người mới có ý thức thờ phượng còn con vật dù khôn ngoan nhưng không có điều nầy. Tín ngưỡng là một thực tế khách quan và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của con người, dù là một dân tộc nào.

Có một câu danh ngôn: “Sướng nhất là kẻ có tín ngưỡng không lay chuyển”.

Thật vậy, đó là điều thiên phú vì Đức Chúa Trời dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng người mà không gì có thể thay thế được.

Tiên tri Giô-na được Đức Chúa Trời sai phái đến thành phố Ni-ni-ve để rao giảng lời của Ngài, nhưng ông đã xuống tàu trốn qua xứ Ta-rê-si. Đức Chúa Trời đã khiến gió lớn thổi trên biển, trên biển có trận bão lớn, chiếc thuyền hầu vỡ. Các thủy thủ sợ hãi, ai nấy đều kêu cầu thần của mình và quăng đồ đạc xuống biển để cho tàu nhẹ; nhưng không kết quả. Đức Chúa Trời muốn cho điều nầy xảy ra để cuối cùng Giô-na bị quăng xuống biển và biển mới yên lặng. Mọi người thấy vậy nên kính sợ Đức Chúa Trời.

Thật vậy, trong những giờ phút lâm nguy người ta cảm thấy bị hụt hẫng và luôn kêu cầu thần của mình. Có một triết gia không tin nơi thần thánh, không tin có đời sau và luôn dựa vào triết lý của mình. Một ngày kia ông đi biển và gặp bão giữa biển, ai nấy sợ hãi kêu cầu thần của mình, ông không biết phải làm gì. Những người bên cạnh nghe ông kêu Chúa ôi! Chúa ôi! Người ta lấy làm ngạc nhiên và hỏi ông tại sao ông kêu Chúa trong khi ông vốn không tin? Ông đáp: “Triết lý của tôi không giúp được cho tôi trong lúc nầy, nếu Chúa cứu tôi thoát khỏi sự chết giữa biển, tôi sẽ đổi ý”.

Thiếu tín ngưỡng tôn giáo đúng đắn nên đời sống con người đầy lo âu sợ hãi. Nhưng phải tin như thế nào để không phải là mê tín, vì vậy đối tượng của tín ngưỡng là vô cùng quan trọng.

II. ĐỐI TƯỢNG CỦA TÍN NGƯỠNG

Dù có tín ngưỡng nhưng đặt sai đối tượng thì cũng chẳng đem lại cho loài người điều gì ích lợi. Niềm tin nơi Đức Chúa Trời là nguyên thức, là thuộc tính bẩm sinh vốn sẵn có trong bản chất con người, tin nơi Đức Chúa Trời dễ hơn là gạt bỏ Đức Chúa Trời. Ngay cả những kẻ nói là không có tín ngưỡng, nhưng trong lúc tuyệt vọng, lâm nguy cũng kêu cầu Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo . . . đáng cho con người thờ lạy mà thôi.

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công vụ 4:12)
Sê Khốp nói rằng: “Con người phải có lòng tin, hoặc phải tìm thấy lòng tin, nếu không thì cuộc sống sẽ trống rỗng, trống rỗng”. Thật vậy, lòng tin rất quan trọng và tin nơi ai là điều quan trọng hơn, nếu không lòng tin sẽ bị sụp đổ.
Sứ đồ Phao-lô đã nói:
“Vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy (Đức Chúa Giê-xu) có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó (ngày tận thế)”.
Đây là một sự phó thác nơi một đối tượng là Chúa, Đấng sáng tạo và bảo tồn thế giới chứ không phải phó mặc cho sự may rủi hay tin nơi sức mình.
Kinh thánh chép:
“Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác, không có Đức Chúa Trời nào nữa. Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê sai 45:14b,18).

Hãy khiến cuộc sống trở thành ý nghĩa, hy vọng, bình an, phước hạnh khi đặt niềm tin đúng đắn nơi Đức Chúa Trời qua ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đó là quyết định không thể thiếu của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây